Chủ Nhật, 28 tháng 11, 2010

Liên hoan phim quốc tế VN lần 1- VNIFF 1er

Liên hoan phim quốc tế Việt Nam lần 1

Thước đo văn hóa ứng xử của những người làm văn hóa

Kể từ Liên hoan phim Châu Á-Thái Bình Dương năm 1999, thì Liên hoan phim Quốc tế Việt Nam lần 1- 1sVNIFF , vừa diễn ra tại Hà Nội từ 17-21.10.2010 là sự kiện điện ảnh được trông đợi nhất của những người làm điện ảnh và công chúng yêu điện ảnh VN suốt bao nhiêu năm qua. Nhưng không thể không“chạnh lòng” khi văn hóa ứng xử của chủ nhà đã không theo kịp tầm của sự kiện.

Khi chủ nhà chỉ ưu tiên chủ nhà
Nếu ai có theo dõi lễ khai mạc 1sVNIFF tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội và qua truyền hình trực tiếp vào 20 giờ ngày 17.10.2010, mới thấy sự không hiếu khách đến mức lạnh nhạt của nước chủ nhà.
Thảm đỏ được trải dài từ ngòai vào tới cửa Hội trường dài gần 400m, một chiều dài rất dài, hứa hẹn sự kiện thảm đỏ chắc sẽ long trọng, lộng lẫy và sôi động, hâm nóng bầu không khí của 1sVNIFF.
Nhưng, như người miền Nam hay hài hước:”Tưởng thế mà không phải thế, mà tệ hơn thế”. Công việc đón khách, theo truyền thống hiếu khách của người VN, làm gì thì làm cũng phải ưu tiên khách đến nhà mình. Nhưng cứ nhìn những gì diễn ra thì không khỏi buồn lòng những ai thật sự xem trọng văn hóa giao tiếp- nhất là ngọai giao.
Từ hai MC của VTV, gần như không làm gì ngòai “hét” tên các diễn viên, ca sĩ, hoa hậu…VN, những người khá quen mặt, còn thì những người bạn nước ngòai, trong đó có cả các vị khách quý của Venice, Cannes, Berlin, các vị trong Ban giám khảo là những nhà làm điện ảnh uy tín, những nghệ sĩ, đạo diễn thế hệ “khai quốc công thần” của nền điện ảnh VN thì gần như bị “quên”.
Không biết có phải hai MC không biết tên, không biết mặt, không kiểm tra xem khách tham dự là ai để có lời dẫn chính xác, nên “im lặng là vàng”. Các fan cổ động viên cũng theo sự nhiệt tình của hai MC. Gặp “người quen” thì vỗ tay reo hò, chụp ảnh, xin chữ ký đến nhốn nháo, còn khi gặp khách lạ cả bạn lẫn ta thì lẹt đẹt vỗ tay chừng vài tiếng cho có lệ.
Không người hướng dẫn, không có chủ nhà long trọng tiếp rước, khách bơ vơ trên thảm đỏ, lúng túng không biết phải đi đến tận đâu, làm gì, có ai cần chụp ảnh mình không, chưa kể MC nam còn kéo giật một minh tinh Trung Quốc phỏng vấn ngay tại thảm đỏ làm anh ta khá bối rối.
Các NSND của VN như “lão ông” Bùi Đình Hạc, đạo diễn “cây đa cây đề” Hải Ninh, bậc kỳ tài Đặng Nhật Minh… thì cứ tư nhiên mà sải bước trên thảm đỏ trong ánh mắt thơ ơ ngơ ngác của các fan hâm mộ, tai giả điếc khi nghe rất to những câu hỏi, câu trả lời không biết nên buồn hay vui:Ai nhỉ? Không biết.
Điều này không chỉ diễn ra trong đêm khai mạc mà còn cả vào chiều ngày 20.10.2010 ở Nhà hát TP.Hà Nội và sự kiện thảm đỏ đêm bế mạc 1sVNIFF ở Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình tối 21.10.2010.
Báo chí truyền thông thì sao? Cũng là “nhất bên trọng, nhất bên khinh”.
Dày đặc trên chuyên trang văn hóa của các báo in, báo điện tử, báo mạng và cả VTV, suốt 5 ngày diễn ra 1sVNIFF, chỉ thấy “ưu tiên” hình ảnh những diễn viên trẻ VN với các kiểu đầm dạ hội gợi cảm lộng lẫy, lễ phục nam sang trọng lịch thiệp, những cặp đôi diễn viên “hot” trong giới trẻ trên thảm đỏ, nhưng vắng bóng những người bạn quốc tế sang VN tham dự 1sVNIFF, ngọai trừ hai minh tinh Trung Quốc- vì hai anh quá quen với các bộ phim Trung Quốc được chiếu ở VN, và vài nhân vật được phỏng vấn.
Ban tổ chức có lẽ “lực bất tòng tâm” hay vì với một sự kiện văn hóa tầm quốc tế nên bị ngợp, đuối sức, không bao quát được, luôn bị động từ giờ giấc, địa điểm tới việc đón khách. Ngay trong đêm khai mạc, các thành viên của các Ban giám khảo đều được trân trọng giới thiệu, nhưng duy một người, không biết do vô ý hay do lý do gì mà MC đã quên không một lời xin lỗi, không giới thiệu Chủ tịch Ban giám khảo Philip Noyce, trong khi ông ngồi trên hàng nghế danh dự.
Buổi giao lưu với công chúng hâm mộ và phỏng vấn báo chí vào chiều ngày 20.10.2010, khi thảm đỏ được (hay bị) rút từ 700m xuống còn 150m, thì khách càng lạc lõng hơn trong không khí “ưu tiên ngươi nhà” của các fan hâm mộ (độ chừng hơn trăm người). Rồi khi vào phòng Gương của Nhà hát Lớn, với vài chiếc ghế, người thì vừa đông, vừa nhộn nhao: khách, diễn viên, nghệ sĩ, báo chí…nên nhiều đòan điện ảnh các nước lúng túng, không biết sẽ làm gì tiếp theo. Kết quả, đòan điện ảnh Pháp đã rút lui lặng lẽ, kéo theo vài đòan khác sau khi ngơ ngác nhìn trứơc ngó sau không thấy ai đóai hòai tới mình cũng âm thầm ra về.

Ban Tổ chức không chơi đẹp
Chiều ngày 17.10.2010, trong khuôn khổ 1sVNIFF, chương trình tôn vinh điện ảnh, NSND-đạo diễn Hồng Sến được đông đảo công chúng yêu điện ảnh và đồng nghiệp trong ngòai nước tưởng nhớ và tôn vinh sự nghiệp điện ảnh của ông. Bộ phim “Cánh đồng hoang” với các giải thưởng điện ảnh VN và quốc tế cũng được chiếu trong dịp này
“Chủ nhân” thì đã là người thiên cổ, nhân vật chính “Ba Đô” – diễn viên Lâm Tới cũng đã về “thế giới khác”. Song còn nhiều diễn viên, các thành viên khác góp phần làm nên thành công cho bộ phim này cũng như các bộ phim khác của ông như “Mùa gió chướng”, “Vùng gió xóay”, “Hòn Đất”… không thấy có mặt trong buổi tôn vinh. Đặc biệt là nhà văn Nguyễn Quang Sáng, người viết kịch bản như cặp bài trùng với đạo diễn Hồng Sến làm nên thành công của phim cũng vắng bóng.
Do Ban Tổ chức không mời? Sự vắng mặt của họ làm cho buổi tôn vinh trở nên ít ý nghĩa. Nói rộng hơn, nhìn vào số khách mời của 1sVNIFF, thấy thiếu vắng nhiều những thế hệ điện ảnh VN, trong khi quá thừa những diễn viên “tay ngang”, những diễn viên phim thị trường, phim truyền hình, hoa hậu, ca sĩ trẻ, chưa thật sự có nhiều đóng góp cho điện ảnh VN.
Ngay cả Liên hoan phim hay Cánh diều của VN, thì báo chí cũng được ưu tiên tác nghiệp tốt nhất. Nhưng trong 1sVNIFF có hai “hệ thống” truyền thông, một của BHD-nhà tài trợ, một của Cục Điện ảnh. Chưa kể số “phóng viên dự bị”- vừa là fan vừa là sinh viên báo chí được nhà tài trợ thuê làm tin. Thế là chồng chéo.
Tác nghiệp báo chí chưa khi nào bệ rạc như ở 1sVNIFF, báo chí không có chỗ tác nghiệp riêng ở sự kiện thảm đỏ, ở các rạp chiếu phim, ở các cuộc giao lưu… nên cứ “tự mình cứu mình”. Chạy, chen, ngồi bệt dứơi đất, vừa chạy vừa chen vừa chụp, vừa thở hổn hển vừa dí micro vào nhân vật phỏng vấn… Miễn là được việc.
Lại còn có cả việc phỏng vấn “kín”, chỉ vài báo được ưu tiên phỏng vấn nhân vật, hay tranh giành phỏng vấn, để cuối cùng một nhân vật, như Trưởng ban giám khảo phim truyện nhựa Philip Noyce đành “nhất cử, nhiều tiện” phải trả lời phỏng vấn tập thể báo chí.
Và có hay không sự thiếu công bằng của Ban tổ chức lẫn của báo chí truyền thông VN khi tiêu chí của 1sVNIFF là giới thiệu nền điện ảnh Châu Á-Đông Nam Á, phim dự thi cũng là của Châu Á?
Ngòai các nhân vật nổi tiếng như các giám đốc của Cannes, Venice, Pusan, Berlin…, đạo diễn trong Ban giám khảo, các nhà làm phim của điện ảnh Pháp được các phóng viên quan tâm, xem ra điện ảnh châu Á- Đông Nam Á chỉ có hai minh tinh Trung Quốc là đựoc ưu ái, còn Thái Lan, Philippine, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Campuchia
… thì gần như không ai đóai hòai.
Có một chi tiết, chưa biết lỗi của ai, nhưng trong chương trình nghệ thuật đêm khai mạc 17.10.2010 của 1sVNIFF, trong tiết mục múa “Câu chuyện của những chiếc giầy”- biên đạo múa Tấn Lộc, nhưng âm nhạc của ai thì không giới thiệu, kể cả hàng chữ chạy trên VTV1 truyền hình trực tiếp cũng không.
Và chưa kể đêm bế mạc, trên trang web của VNIFF vẫn đề hàng chữ VTV1 truyền hình trực tiếp, nhưng cuối cùng là VTV2. Trong khi MC của VTV giới thiệu đầy đủ 8 chuyên mục giải thưởng, nhưng mới chỉ có 5 giải thưởng được công bố thì MC của VTV tuyên bố Lễ bế mạc 1sVNIFF kết thúc, không thêm một lời giải thích vì sao thiếu vắng 3 giải còn lại.
Điều đó chỉ được công bố trong buổi họp báo ngay sau lễ bế mạc, làm cánh truyền thông “chạy đua” đến tận khuya lắc mới xong tin về tòa sọan.
Có thể xem như đó là một cách hành xử chưa đẹp của Ban Tổ chức?

Giữa chốn đông người, họ có phải là nghệ sĩ không?
Một cuộc xô xát có động tay động chân với đồng nghiệp ở nơi công cộng, trứớc mặt nhiều người, của một đạo diễn trẻ đang đình đám với phim chiếu giới thiệu trong 1sVNIFF.
Một trận “văng” vào nhau những ngôn từ không có trong từ điển của người có văn hóa ngay ở Văn Miếu trong đêm họat động khuôn khổ 1sVNIFF giữa một đạo diễn-giám đốc với bạn đồng nghiệp. Nghe nói là có bia-rượu góp phần?
Một phen cử tọa trong một cuộc hội thảo về điện ảnh VN nín thở hồi hộp lo lắng “chiến tranh” xảy ra giữa hai đạo diễn, đại diện hai trường phái phim Thị trường- Nhà nước, có xung đột về ngôn từ khá căng thẳng, bất chấp lịch sự tối thiểu. May mà khách nước ngòai không hiểu tiếng Việt.
Một cô ca sĩ kiêm diễn viên vài phim thị trường cứ hồn nhiên trả lời phỏng vấn truyền thông, tự nhiên để phóng viên chụp ảnh, mặc cho dây áo tụt xuống quá vai đe dọa “sự cố” hở vòng 1.
Một cô diễn viên có lẽ tự nhủ đã” 100%” trên phim ( 1/10 phim được tham dự tranh giải phim truyện), nên rất tự nhiên diện chiếc váy trong suốt trên thảm đỏ buổi khai mạc 1sVNIFF và sau đó thì tiếp tục “cống hiến” mãn nhãn công chúng bởi chiếc váy siêu ngắn trên thảm đỏ Nhà hát Lớn Hà Nội buổi sau.
Một diễn viên nữ nổi lên từ một phim của đạo diễn Việt kiều trong mấy ngày diễn ra các sự kiện công cộng, không ngần ngại khoe vòng 1 “ngồn ngộn” với nhiều kiểu váy bó, tưởng chừng thở mạnh một cái là tung hết, làm “nóng” bao ánh nhìn trần tục…

Còn nhiều cách ứng xử bi-hài của 1sVNIFF, không thể kể hết ra được. Nhưng chỉ vài nét chấm phá qua 5 ngày diễn ra 1sVNIFF, có thể nói chính xác, là thước đo “tầm” văn hóa của những người được cho là có văn hóa vẫn chưa có văn hóa ứng xử đúng mực trong vai trò người có văn hóa.
Nhìn rộng ra, từ những “tiểu tiết” tưởng như là “chuyện thường ngày”, có thể như một cảnh báo không thừa về văn hóa ứng xử. Nó đang bị xem nhẹ và dần trở thành một thứ xa xỉ ít ai quan tâm./.

Phương Nam

Tháng bảy ngày rằm xá tội vong nhân

Đọc sách:
Tháng Bảy ngày rằm xá tội vong nhân
Lễ Vu lan & Lễ cúng cô hồn

Rằm tháng Bảy đã qua, nhưng ý nghĩa của ngày rằm trong văn hóa tâm linh của người VN vẫn luôn hiện diện hàng ngày qua sinh họat và nhất là trong mỗi nếp nhà truyền thống.

Nhưng để hiểu thấu đáo ý nghĩa thực theo quan niện tâm linh của người VN về ngày Rằm tháng Bảy xá tôi vong nhân với hai lễ lớn: Lễ Vu lan- Báo hiếu cha mẹ; Lễ cúng cô hồn- Lễ cho các linh hồn không nơi nương tựa hương khói thờ cúng, thì không phải ai cũng có được sự hiểu biết rõ ràng, mà chỉ là làm theo phong tục, tập quán truyền thống của người xưa, như một sinh họat văn hóa tâm linh nằm trong chuỗi các nghi thức hàng năm của tín ngưỡng Phật giáo.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Việt Ngữ, có lẽ trong quá trình đi sâu nghiên cứu về các lọai hình văn hóa truyền thống VN, đặc biệt là các tác phẩm ca diễn xướng cổ điển có liên quan đến tín ngưỡng Phật giáo, đã phát hiện ra nhiều vấn đề lý thú xung quanh tích “Mục Liên Thanh Đề”, gắn với lễ Xá tội vong nhân ngày Rằm tháng Bảy ở VN. Và những phát hiện này đã được ông chú ý nghiên cứu, sưu tầm, khảo cứu, phân tích qua thực tiễn, qua tư liệu và cả những “nhân chứng” vật thể, phi vật thể, trong một thời gian dài từ những năm 1960 đến tháng 9. 2010, ông tập hợp những nghiên cứu của mình, viết thành cuốn “Tháng Bảy ngày rằm xá tội vong nhân- Lễ Vu lan & Lễ Cúng cô hồn”- Ban Văn hóa Thành hội Phật giáo Hà Nội ấn tống, Phật lịch 2554.
Cuốn sách thật sự là một công trình khảo cứu có giá trị về ý nghĩa của một phong tục tín ngưỡng Phật giáo “Tháng Bảy ngày rằm xá tội vong nhân- Lễ Vu lan & Lễ Cúng cô hồn” của người VN trong sinh họat tâm linh. Ngòai ra, qua những khảo cứu minh họa, đây còn là cuốn sách có giá trị sưu tầm những trò diễn xướng dân gian truyền thống mang tính tôn giáo rất lý thú. Sách được chia làm ba phần.
Phần một: Phần mang tính nghiên cứu sâu của tác giả,Tháng Bảy ngày rằm, xá tội vong nhân. Rất khúc triết, rất khoa học, nhưng lại dễ hiểu và thuyết phục, với những phát hiện cùng chú giải tưởng chừng như rất khó lĩnh ngộ trong kinh sách Phật hay các điển tích Phật giáo phương Đông, các tích diễn xướng cổ điển dân gian VN… , tác giả Trần Việt Ngữ đã dẫn dắt người đọc dần khám phá ra ý nghĩa của phong tục từ thời xa xưa đến nay, những “biến thể” qua thời gian và dị biệt trong câu chuyện gốc tạo nên sự khác biệt khi được du nhập và “VN hóa” trong tín ngưỡng dân gian của ta. Từ những phong tục “Rằm tháng Bảy với tích Cứu mẹ và tục cúng vong”, “Lễ Vu lan bồn và lễ Cúng Cô hồn”, giải thích cặn kẽ ý nghĩa của từng phong tục, tìm cái chung cái riêng, để có được cái nhìn chính xác về một phong tục mang tính nhân văn cao của tình người với các đấng sinh thành cũng như với chúng sinh. Điều thú vị ở phần này là tác giả đã đưa ra những “nhân chứng” phi vật thể và cả vật thể để minh họa cho những phát hiện, nghiên cứu của mình về phong tục” Tháng Bảy ngày rằm xá tội vong nhân” với “Đàn tràng Vu lan”, qua những tác phẩm văn hóa nghệ thuật diễn xướng dân gian truyền thống như vở Chèo: Mục Liên báo ân, Tuồng: Ban sắc xá cách, Cải lương: Mục Liên- Thanh Đề… với nhiều cách hát xướng diễn trò. Đặc biệt “đàn tràng” hay “đàn trai” của phong tục này, được tác giả trình bày rất chi tiết về cách thức nghi lễ có lớp lang, ngòai ý nghĩa về một nghi thức trong sinh họat tâm linh ngày rằm tháng Bảy, nó còn mang giá trị như một nghiên cứu sâu về trò diễn xướng trong kho tàng văn hóa dân gian VN mang tính tôn giáo và các sinh họat nghi lễ tâm linh của người Việt.
Phần hai: Đây là phần tác giả sưu tầm, cống hiến cho người đọc những tác phẩm diễn xướng dân gian gần như là kinh điển của tích “Mục Liên Thanh Đề” liên quan đến phong tục Lễ Vu lan và Lễ Cúng Cô hồn. Ngòai ba vở chèo, tuồng, cải lương đã được nêu trên, còn có phần diễn xướng theo đúng lớp lang của đàn tràng trong cúng lễ ngày rằm tháng Bảy: Bảo đường ca, Triệu linh thần, Văn thỉnh thập lọai cô hồn, Kế hạnh thập ân, Chèo thuyền ca cách.
Phần ba: Phần phụ lục, ngòai hai bài mang tính Phật pháp thuyết giáo: Giới vong và Phật thuyết Vu lan bồn kinh, còn có một bài viết: Địa ngục luận- của Sư Thầy Thích Tuệ Nhuận, giải nghĩa về địa ngục và ngày rằm tháng Bảy theo triết học Kinh Phật Đại thừa, như một bài văn tham khảo.

“Tâm thức của người xem nằm trong vùng thăng hoa của nghệ thuật, cung kính chư Phật, chí hiếu Mẹ Cha, từ ái với chúng sinh, sửa mình quy thiện, tâm ấy tức Phật tính, là tỉnh thức, là Giác…”- trích Lời đề từ cho cuốn sách của Thượng tọa Thích Minh Hiền, Trưởng Ban Văn hóa Thành hội Phật giáo Hà Nội.

Bạch Tùng Lâm

Hà Nội- Động và Tĩnh

Triển lãm ảnh nghệ thuật Hà Nội- Động và Tĩnh
Một Hà Nội đan xen thiền và thơ

Hà Nội- Việt Nam, luôn là cảm hứng sáng tạo nghệ thuật của các nghệ sĩ. Mỗi người có một góc nhìn, cách cảm nhận riêng về Hà Nội và mang đến công chúng khán giả những cảm xúc, rung động khác biệt.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh(NSNA) Trần Việt Văn, trong 5 năm qua với 6 cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật cá nhân“Hai giờ, một ngày”, “Đạo và Đời”, “Tồn tại hay không tồn tại”, “Đạo và Đời 2”, “Màu mặt trời”, “Tướng trận thời bình” với nhiều sự khám phá về cuộc sống muôn màu qua các khỏanh khắc và khuôn hình độc đáo, đã tạo một dấu ấn riêng khá thành công trên con đường sáng tạo nghệ thuật của anh.
Là người Hà Nội, năm 2010, cảm xúc sáng tạo nghệ thuật về Thủ đô 1000 năm tuổi trong người NSNA Trần Việt Văn như một dòng chảy ngầm, và khi không khí sôi động của Đại lễ Thăng Long- Hà Nội 1000 năm qua đi, anh mới ra mắt công chúng triển lãm ảnh nghệ thuật thứ 7 mang tên “Hà Nội- Động & Tĩnh”, gồm 39 ảnh.
Trong những đề tài dài hơi về nghệ thuật nhiếp ảnh của anh, thì “Thiền” là một trong những chủ đề được NSNA Việt Văn quan tâm, theo đuổi đặc biệt. Nhưng với công việc thường ngày là một nhà báo, nên những hình ảnh về cuộc sống đương đại cũng là một đề tài anh không thể bỏ qua trong hành trình sáng tạo nghệ thuật của mình.
Tại sao anh lại đặt tên cho triển lãm của mình là “Hà Nội- Động & Tĩnh”?
Khái niệm Động và Tĩnh ở đây thật ra không có ranh giới phân định rõ ràng. Nhiều khi chúng đan xen nhau vì trong Động có Tĩnh và trong Tĩnh có Động, như triết lý vô thường của đạo Phật: tất cả mọi vật, hiện tượng đều biến đổi không ngừng.
Trong sự phát triển không ngừng của văn minh, là dấu ấn của đời sống hiện đại hôm nay cùng “chung sống” hoặc “đè bẹp” những vết tích cũ của một xã hội nghèo. Cái cũ và mới có khi “đối đầu” một mất một còn có khi cùng hòa hợp trong một trạng thái bấp bênh bởi không ai đoán định chính xác tương lai. Và những giá trị văn hóa, bề dày những lớp lang, những trầm tích văn hóa của một Thủ đô ngàn năm tuổi vẫn còn đó, với bao bí ẩn mà muôn đời sau vẫn chưa khám phá hết được.
Bộ ảnh “Hà Nội- Động và Tĩnh” đến từ ý tưởng đó, trong một nỗ lực khám phá lại chính bản thân tôi. Nghệ thuật là vô hạn nhưng nội lực của nghệ sỹ là có hạn, bởi thế đây vẫn chỉ là những phác thảo đầu tiên cho một dự án lâu dài.
Theo một cách sắp đặt ảnh liên tục, không phân chia ra thành từng nhóm nhỏ, có chủ đề hay tên gọi riêng, không cả chú thích ảnh, nhưng người xem có thể cảm nhận được ý tưởng tác giả gửi vào trong khuôn hình. Có thể thấy chất “tĩnh”- Thiền, không chỉ riêng một ảnh nào, từ hình ảnh cột đồng hồ và chiếc đèn giao thông màu xanh- đỏ, những bức tượng cổ và các nhà sư, đến bức ảnh cuối cùng là phin cà phê đang nhỏ từng giọt bên một bàn tay giở trang sách từ điển.
Hay chất “động” không chỉ ở hình ảnh đòan tàu chạy trên cầu Long Biên, những người bán rong bên các tấm panô quảng cáo… mà còn “động” trong cái tĩnh lặng trăm năm của ngôi nhà cổ tưởng chừng tất cả đồ vật đang ngủ yên, hay một mâm cơm như tĩnh vật song cảm như có sự “ngọ nguậy” của những chiếc đũa gắp thức ăn, mùi vị các món ăn tỏa ra trong không khí…
“Hà Nội- Động & Tĩnh” với nhiều bức ảnh mang gam màu rêu phong bàng bạc, màu nâu nhạt như nhuốm thời gian phôi pha được xử lý trên ảnh, tạo cho bộ ảnh đậm chất lãng mạn của thơ. Có thể nhiều người sẽ tần ngần, hòai niệm trước bức ảnh 2 người nam nữ rất trẻ bên chiếc xe đạp trong trời hòang hôn trên cầu Long Biên, như mấy chục năm về trước.
Cũng có thể ai đó trầm tư bên bức ảnh về một nghề cổ- vẽ truyền thần, những người xưa như đang kể về huyền thọai xưa Hà Nội.Và bên cạnh đó lại như đang đọc một bài thơ cuộc sống đương đại với hình ảnh cô dâu, chù rể bên tay trong tay, nụ cười rạng rỡ bên tháp Hòa Phong.
Chất thơ còn như phảng phất trong những khuôn hình mang dấu ấn di tích xưa của Hà Nội như Nhà hát Lớn, Văn Miếu, cầu Long Biên… đặc biệt hình ảnh đôi trai gái bên bờ Hồ Gươm là một hình ảnh không thể phai trong bất cứ ai, dù chỉ một lần đặt chân đến Hà Nội….
39 ảnh (không biết có phải trùng với số tuổi của NSNA Trần Việt Văn- nhưng tác giả chỉ cười, không nói gì), ngòai sự liên kết như kể một câu chuyện lớn về Hà Nội xưa- nay, động- tĩnh, nhưng tách từng ảnh ra để ngắm, để “đọc”, lại giống như 39 câu chuyện riêng biệt về một Hà Nội có cả bề dày lịch sử oai hùng, có cả những nét tinh tế của văn hóa Hà Nội, rồi những cuộc đời lam lũ, những nghề cổ đang dần mai một…
Khi những sôi động của Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội qua đi, xem triển lãm ảnh “Hà Nội- Động & Tĩnh” của NSNA Trần Việt Văn, cảm giác như được tĩnh lặng và suy ngẫm về một Hà Nội ngày hôm qua và ngày hôm nay cũng như trong tương lai./.


Nam Hòang

Box:Triển lãm “Hà Nội- Động & Tĩnh” của NSNA Trần Việt Văn tại Không gian Sáng tạo trung Nguyên, 36 Điện Biên Phủ, Hà Nội.
Từ 12- 19.11.2010.
NSNA Trần Việt Văn là tác giả Việt Nam duy nhất từng hai lần đoạt giải ảnh màu quốc tế London (Anh), Giải thưởng nhiếp ảnh quốc tế (IPA- Mỹ) và Giải thưởng nhiếp ảnh Paris (Pháp) và được Win –Intiniative (Mỹ) sưu tập ảnh.

Một góc văn hóa Thang Long- Gioi thieu sách.

Một góc lịch sử Thăng Long
Qua Đồ sứ ký kiểu Việt Nam thời Lê-Trịnh
(1533- 1788)


Đồ sứ ký kiểu Việt Nam
Thời Lê -Trịnh (1533- 1788)
Tác giả: Trần Đình Sơn
Nhà xuất bản Văn nghệ
Số trang: 315. Song ngữ Việt- Anh
Tháng 9.2010


Thủ đô Hà Nội đang bước vào những ngày Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, với một tình cảm thiêng liêng của người phương Nam hướng về nguồn cội, nhà nghiên cứu cổ học Trần Đình Sơn cho ra mắt giới thưởng ngọan cổ vật cuốn “Đồ sứ ký kiểu Việt Nam thời Lê- Trịnh (1533- 1788)”, như một món quà tặng Thủ đô 1000 năm tuổi.

400 năm trước, vào khỏang thế kỷ 16-18, trong giai đọan lịch sử VN có nhiều biến cố từ “Lê tồn- Trịnh tại” đến trào Tây Sơn “Trịnh bại- Lê vong”, ngòai những sự kiện xảy ra trong triều đình chốn cung Vua phủ Chúa đã được các nhà chép sử ghi lại tỉ mỉ, thì những “tiểu tiết” trong nội cung như :phẩm phục (áo mặc theo phẩm vị),hành nghi (nghi thức đi đường), đồ dùng thường ngày, trong đó có đồ sứ ngự dụng và hòang thất, quan lại dùng … hoa văn, tiểu tiết phải theo một quy chế- sắc lệnh theo “Lê triều chiếu lịnh thiện chính”, vẫn còn là điều cần khám phá, tìm hiểu không chỉ trong giới nghiên cứu, sưu tầm cổ vật , mà còn là sự tò mò của những người yêu thích những tác phẩm nghệ thuật gốm sứ ở VN.
Nhà nghiên cứu cổ học, đặc biệt là về đồ sứ ký kiểu VN Trần Đình Sơn, qua cuốn sách thứ ba “ Đồ sứ ký kiểu Việt Nam thời Lê- Trịnh (1533- 1788)”, đã “triển lãm” bằng hình ảnh bộ sưu tập những đồ sứ cổ được dùng trong cung Vua, phủ Chúa thời ấy, phác họa một góc lịch sử Thăng Long mấy trăm năm trước theo một chiều khác khá lý thú, thông qua nghệ thuật trang trí trên các vật dụng sứ ngự dụng cách đây hơn 400 năm. Sách có phần so sánh niên biểu VN thời Lê- Trịnh với niên biểu cùng thời của Trung Quốc để người đọc có thêm cái nhìn khái quát về lịch sử thời này.
Ngay từ phần “Dẫn nhập”, tác giả đã tóm lược một giai đọan lịch sử nhiều thăng trầm và biến động suốt từ thế kỷ 15-18 thời nhà Lê đến trước thời Tây Sơn và nhà Nguyễn, để dẫn dắt người đọc “đi sâu tìm hiểu nội cung” có gì lạ.
Về phép tắc: Những người được phong tước Công…, hòang tử (con Vua), vương tử(con trai Chúa),các quan Thái Sư, Thái Phó, Thái Bảo (Tam Thái- chính nhất phẩm), Thiếu Sư, Thiếu Phó, Thiếu Bảo (Tam Thiếu- chính nhị phẩm): Được phép dùng y phục may bằng gấm vóc dệt hìng lân, phượng và các màu sắc; bát đĩa dùng đồ sứ Tàu bịt vàng, cấm vẽ hình rồng và các màu sắc.
Hay các quan Thượng thư (chính nhị phẩm), Đô ngự sử (chính tam phẩm)…thì bát đĩa dùng đố sứ Tàu bịt bạc, cấm các kiểu vẽ rồng, kỳ lân, phượng và các màu sắc.
Các Xá nhân, Án lại, Tướng thần lại, Lịnh sử, Nội thư tả ở các nha môn (lục phẩm trở xuống), các chức từ Cai ty, Cai hợp, Thủ hợp trở lên… bát đĩa dùng đồ gốm Nam(đồ gốm làm trong nước),các hình vẽ rồng, lân, phượng, gấm vóc các màu đều cấm xử dụng….
Đặc biệt, và hấp dẫn nhất của cuốn sách chính là phần sưu tầm những đồ sứ ký kiểu được ghi chữ “Nội phủ”- Kho tàng của nhà Vua- thị trung, thị hữu, thị đông, thị đòai, thị nam, thị bắc và “Khánh Xuân”.
Nội phủ thị trung: Được dùng chính điện, trang trí đặc biệt dành cho Vua, Chúa là rồng 5 móng bay lượn giữa mây lành và sóng nước: Lưỡng long chầu nguyệt, Lưỡng long tranh châu, Độc long hí châu, hay Tường Vân-Mây lành,Mỹ nhân- Người đẹp, Sơn thủy- Phong cảnh…
Khánh xuân thị tả: Dùng cho cung điện bên trái. Biểu tượng trang trí là rồng 5 móng với 1-2 kỳ lân bay giữa mây và nước như: Long Lân hí châu, Long Lân khánh thọ, Độc Long hiến thọ. Độc đáo là bộ đồ trà lấy tích Hứa Do rửa tai: Lười nghe việc ngòai đời/ Lấy nước sạch rửa tai.
Nội phủ thị hữu: Được dùng cho cung điện bên phải. Biểu tượng trang trí chính là rồng, phượng: Long Phượng khánh thọ, Long Phượng trình tường,Long Phượng hí châu. Độc đáo là bộ trà “Ngô đồng phượng”:Chín phượng đậu cây ngô đồng hót vang/Người đánh cá cùng vui đùa với người đốn củi
Nội phủ thị đông: Dùng cho cung điện phía đông. Thường trang trí rồng, lân, chim, hoa như: Long Lân khánh hội, Song Lân hí thủy,Tam Thái đằng vân, Dục báo xuân lai, Hỷ báo xuân quang…
Nội phủ thị đòai: Cho cung điện phía tây, thường lấy hình phượng và phong cảnh, nhân vật. Nội phủ thị nam: Dùng cho cung điện phía nam, có các hình vẽ như: Hoa sen,côn trùng, lau lách, các đề tài cát tường, đăng khoa. Nội phủ thị bắc: Vật phẩm dành riêng cung điện phía bắc, biểu trưng trang trí là hoa mẫu đơn và bướm, phong cảnh, nhân vật, tứ dân-tứ thú (ngư, tiều, canh, độc)…
Trong cuốn sách, ngòai bộ sưu tập đồ sứ cổ dùng trong cung Vua, phủ Chúa “chính thống”, theo niêm chế, quy định trong lễ nghi, còn có một bộ sưu tầm khác về đồ sứ hảo hạng có hiệu đề chữ Tho, Trân Ngọan. Căn cứ vào quy định trong triều luật, thì đây là đồ sứ do hòang thân quốc thích của Vua, Chúa sai đặt làm ở các lò gốm sứ nổi tiếng Trung Quốc lúc đó.
Một chút tâm sự của tác giả:”Thời còn niên thiếu ngồi trên ghế nhà trường, thế hệ chúng tôi ở Miền Nam chỉ biết Thăng Long- Hà Nội qua sử sách, thơ văn. Cảnh vật Thăng Long hiện lên trong trí tưởng tượng ngây thơ thật buồn như Bà Huyện Thanh Quan cảm tác: Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Lầu cũ lâu đài bóng tịch dương. Hoặc nồng nàn tình cảm hướng về nguồn cội: Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long- Hùynh Văn Nghệ..
Rồi từ cái tô mang chữ “Nội phủ thị trung” mà tôi có duyên với đồ sứ cổ…Nay ngàn năm một thuở, nhân dân Việt khắp nơi đều hướng về đại lễ kỷ niệm “Thăng Long thiên tuế”. Tôi vô cùng hoan hỷ xuất bản tác phẩm “Đồ sứ ký kiểu Việt Nam thời Lê- Trịnh(1533-1788)”.
Mong sao tập sách này như nén tâm hương tưởng nhớ công đức Tiền nhân. Góp thêm tư liệu về thời đại Vua Lê, Chúa Trịnh, 400 năm trước trong lịch sử ngàn năm Thăng Long- Đại Việt”…



Hòai Hương giới thiệu

Khỏanh khắc vàng 2010

Giải thưởng ảnh báo chí “Khỏanh khắc Vàng-03”

Nhìn lại ảnh báo chí Việt Nam

Ngày 15.9 tại HN, lễ trao giải và triển lãm cuộc thi ảnh báo chí “Khoảnh khắc vàng-03” do Thông tấn xã VN phối hợp với Hội nghệ sỹ nhiếp ảnh VN tổ chức.

Số lượng kỷ lục 8307 tác phẩm, trong đó có 5947 ảnh đơn và 1731 bộ ảnh dự thi đã tạo nên cuộc thi “Khoảnh khắc vàng-03” thành công ban đầu về mặt số lượng…Nhưng cũng từ số lượng thi và đọat giải, thẳng thắn nhìn lại chất lượng ảnh báo chí VN hiện tại thực chất như thế nào.

Từ con số đặt vấn đề ảnh báo chí VN
Theo thông tin từ Ban tổ chức cuộc thi, thì số ảnh lọt vào chung khảo chỉ còn 206 tác phẩm (ảnh đơn và bộ ảnh), để qua vòng chung khảo chỉ còn 92 tác phẩm được chọn, và tổng giải thưởng chính thức gồm các giải nhất, nhì, ba, khuyến khích là 17 tác phẩm (không tính 4 giải thưởng tác phẩm ảnh chụp bằng điện thọai di động của nhà tài trợ), không có giải thưởng lớn.
Có thể nhìn nhận ở hai khía cạnh: Chất lượng ảnh báo chí VN cần xem xét lại, hay do ban giám khảo (nhất là ở vòng sơ khảo) có thật sự công tâm và chính xác khi quyết định lọai bỏ số lượng lớn tác phẩm ảnh dự thi.
Không thể nói tác phẩm ảnh dư thi là không có chọn lựa. Bản thân tác giả khi mang tác phẩm đi thi, đã có một sự lựa chọn riêng, mang tác phẩm được xem là thành công nhất của mình. Thế nhưng chỉ qua vòng lọai thì gần 80% tác phẩm đã bị lọai không vào được vòng trong. Phải chăng chất lượng ảnh quá kém, dù là ảnh tốt nhất được mang đi dự thi? Và như thế đặt một dấu hỏi về ảnh báo chí VN đang có vấn đề về chất lượng hay bản thân phóng viên ảnh báo chí VN đang “đi xuống” về nghề nghiệp chuyên môn?
Nhưng cũng không thể bỏ qua vai trò của ban giám khảo. Có quyền đặt dấu hỏi về trình độ thẩm định ảnh của các thành viên. Họ có quá khắt khe, như một thành viên trong vòng chung khảo đã nửa đùa nửa thật phát biểu:” Nếu là tôi thì không quá 10 tác phẩm đọat giải”. Hay họ không thẩm định chính xác tác phẩm theo tiêu chí ảnh báo chí, mà mang những cảm tính bản thân để nhìn và đọc tác phẩm, dẫn đến là lọai bỏ trực tiếp một số lượng ảnh lớn? Đó là chưa kể, nếu tính thời gian thẩm định khối lượng tác phẩm dự thi khổng lồ kia ở vòng sơ khảo, một thời gian quá ngắn, không biết có bị sai vì “tốc độ” thẩm định dành cho một tác phẩm gần như chỉ vài phút.

Ảnh đọat giải có thật xuất sắc?
Việc không có giải thưởng lớn có lẽ là quyết định sáng suốt của Ban giám khảo “Khỏanh khắc Vàng 03”. Nhìn vào 17 tác phẩm ảnh đọat giải có thể thấy ảnh báo chí VN rõ ràng chưa thể có tác phẩm lớn, tác phẩm gây ám ảnh, hay tác phẩm mang hiệu ứng xã hội cao.
Giải nhất ảnh đơn “Tự hào Việt Nam”- Đức Tám, là bức ảnh đẹp, hai nụ cười của vị nguyên thủ quốc gia Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Giáo sư Ngô Bảo Châu, người VN vừa được giải thưởng tóan học danh giá Fields, như đồng điệu, như niềm tự hào chung… Nhưng đây là bức ảnh mà những người trong nghề đều có thể hiểu, bởi tác giả có điều kiện (hay được) tiếp cận với nhân vật ở góc tốt nhất. Ảnh đẹp là tất nhiên. Sự kiện lại đang “nóng”, là tiêu điểm của truyền thông VN thời điểm này.. Nhưng tác phẩm chưa có được cảm xúc mạnh.
Bộ ảnh “Cứu dân trong bão lũ”- Dương Thanh Xuân, giải nhất nhóm ảnh.Có thể thấy sự lăn xả của tác giả khi tác nghiệp ở một thời điểm nguy hiểm tới tính mạng, nhưng nhìn qua các bức ảnh, thấy rõ tác giả vẫn chưa có điểm nhấn đặc trưng tinh thần “Vì nhân dân quên mình” của bộ đội trong bão lũ sông nước, thiếu ảnh tòan cảnh mà chỉ đặc tả những cảnh rời rạc, mà ảnh cũng chưa phải ở “độ gần”.Bão lũ thiên tai ở VN hàng năm là chuyện “thường tình”, nên bộ ảnh này chưa đủ sức lay động.
Bộ ảnh đồng giải nhất “Phạm Thế Minh, một tấm gương điển hình”- Vũ Dũng, dù đưa được nhân vật “da cam”, dù đưa vào sinh họat thời sự tiêu điểm :Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhưng thật sự ảnh vẫn chỉ mang tính chất minh họa, ít điểm nhấn về nhân vật điển hình, thậm chí có ảnh còn rất “thô”- ảnh nhận bằng khen.
Ảnh đơn “Nỗi lo lúc vượt sông Pô Kô”- Nguyễn Vinh Hiển, giải ba. Nếu lấy tiêu chí ảnh báo chí thì bức ảnh này thiếu rất nhiều thông tin. Trong ảnh không thấy sông, suối, chỉ mờ mờ rừng cây, cảnh ba người đu trên dây vượt sông cũng không rõ sự căng thẳng- kịch tính của “nỗi lo”, ảnh không mang lại điều gì cho ngừoi xem về cảm xúc…Thật sự mà nói, ảnh này thua cả ảnh minh họa cho mấy bài báo viết về sự việc này trên các báo.
Các tác phẩm đọat giải khác, phần lớn đều rơi vào khuyết điểm thông tin thiếu, hay hình ảnh không có điểm nhấn, khá chung chung… Và một đặc trưng hay thói quen của ảnh báo chí VN là sự can thiệp của kỹ thuật photoshop quá nhiều, nhìn đôi khi như ảnh giả, làm tác phẩm thiếu tính chân thực, thiếu thuyết phục cảm xúc của người xem.

Nick Út- Phóng viên ảnh báo chí AP nói về ảnh báo chí VN
Ông là một thành viên của tổ chức IMMF- Quỹ tưởng niêm các nhà báo Đông Dương, đã tham gia giảng dạy và cùng đi tác nghiệp với phóng viên ảnh VN trong mấy khóa Workshop về ảnh báo chí ở VN. Ông có một vài ý kiến trao đổi về ảnh báo chí VN hiện nay.
Ông là phóng viên ảnh (PVA) của một tập đòan truyền thông danh tiếng AP- Mỹ, được đi nhiều, chụp nhiều. Ông có thể truyền đạt vài kinh nghiệm bản thân về nghề ?
Nói về thành công của một nghề không giản dị, đòi hỏi dài dòng và nhiều yếu tố. Khuôn khổ báo chí, tôi cố gắng vắn tắt.
Một tấm hình gọi là thành công, hình đó phải chụp đúng lúc của một đề tài đang được nhiều độc giả quan tâm, mang nhiều yếu tố nhạy cảm. Khó có tấm hình thành công khi thiếu yếu tố nhạy cảm. Một đề tài không quan trọng, không mang nhiều tính cách khó khăn, vất vả khi chụp, chụp đúng lúc… thì cũng chỉ là tấm hình thường.
PVA hành nghề vất vả như một chiến sĩ ngòai chiến trường. PVA chấp nhận sự nguy hiểm của vấn đề nhạy cảm để có thể chụp ra tấm hình không ai có, tấm hình tạo ra do chấp nhận khó khăn kể cả nguy hiểm, thường là hình dễ nổi tiếng. Sự nổi tiếng của tấm hình như chiến sĩ được vinh danh.
Muốn chụp đúng lúc, PVA phải chịu khó. Chỉ có làm việc nhiều, ngày đêm thì mới có thể chụp đúng lúc. Lâu lâu chụp một lần, khó có thể đúng lúc thường xuyên. Còn làm sao chụp đúng lúc giống như chiến sĩ bắn trúng địch. PVA không chỉ có đầy đủ máy chụp, dụng cụ mà phải học hỏi cách xử dụng, thực tập và trao dồi kiến thức bằng cách xem hình ảnh của những bậc thầy, tìm hiểu cách chụp và thực tập khi cơ hội đến, ta có tấm hình chụp đúng lúc….
Làm thế nào để có được một bức ảnh tốt kể cả thông tin trong ảnh lẫn hình thức thể hiện (bố cục, ánh sáng, kỹ thuật…)
Để có tấm hình tốt, đầu tiên là PVA phải nắm yếu tố thời sự- thông tin. PVA phải thuộc lòng về cách bố cục tấm hình, giống như họa sĩ bố cục tấm tranh, nhưng khác họa sĩ, vì PVA chỉ có một vài giây xoay sở bố cục. Bạn muốn đặt chủ đề vào đúng điểm mạnh, dĩ nhịên ai cũng muốn thế, nhưng PVA đâu có bao nhiêu thời gian để sắp xếp bối cảnh cho hợp với chủ đề mình chụp.
Ánh sáng , kỹ thuật…. ai cũng muốn Thượng Đế ưu đãi PVA để anh ta hay cô ta có tấm ảnh đẹp. Nếu không được ưu đãi, chẳng lẽ bạn bó tay trước một việc xảy ra quá lý tưởng cho một PVA hành nghề?. Bạn phải ghi tên học ngay làm sao xử dụng được máy ảnh trong mọi trường hợp. Bạn phải có dụng cụ tối thiểu và bạn phải biến dụng cụ tối thiểu thành dụng cụ chụp được trong mọi hòan cảnh. Nhiều năm trong nghề, Nick Út vẫn phải mua thêm máy, vẫn học cách xử dụng máy, vẫn trao dồi nghề nghiệp….Đề tài cần yếu tố thời sự.
Riêng ông có cái nhìn như thế nào về ảnh báo chí VN thời chiến tranh và thời hòa bình? Đặc biệt là vào thời điểm hiện tại? Ông có quan tâm tới những ảnh báo chí VN đọat các giải thưởng trong nước?
Mỗi người có chủ đề khác nhau khi chụp. Họ cầm máy chụp cho ai?, Mục đích gì? Ai đặt hàng?.... Riêng Nick Út, khi chụp hình, tôi nghĩ đến độc giả. Họ muốn biết gì về chuyện xảy ra. Chiến tranh thường dễ cho PVA chụp hình hơn là hòa bình. Riêng hình ảnh VN, đối với báo chí thế giới, vẫn còn nhiều hình “ăn khách” vì lạ.
Nick Út có quan tâm những hình được giải thưởng trong nước. Hình được giải thường ca tụng một chủ đề nào đó do nhà nước đưa ra. Nhưng lại không là chủ đề đang được lưu ý ở quốc gia khác hay thế giới.
Qua mấy khóa worlkshop ở VN, ông có thể nhận xét về khả năng tác nghiệp của PVA báo chí VN như thế nào? Ảnh của họ có đạt chuẩn của một bức ảnh báo chí như cách đánh giá của ông và của truyền thông thế giới (Anh- Pháp- Mỹ là đại diện)?
Về khả năng tác nghiệp của PVA báo chí ở VN qua mấy khóa work shop, tôi nhận thấy họ có nhiều khả năng chụp ra những tác phẩm có thể cạnh tranh với thế giới, nhưng hình như họ ít có sự sáng tạo sáng tác, mà thường bị gò bó vào một chủ đề có tính cách tuyên truyền, nên ảnh nhiều khi khô cứng, nhàm chán.
Chưa kể có nhiều PVA mà tôi quen biết qua workshop (mà họ là những PVA đã qua chọn lựa như thi tuyển), có khi không nắm được kiến thức cơ bản của ảnh báo chí là như thế nào mà chụp như chụp kỷ niệm, hoặc ảnh như của người mới cầm máy, thiếu nhiều yếu tố của một PVA chuyên nghiệp.
Ông thấy phóng viên ảnh báo chí Việt Nam thiếu điều kiện gì để có thể tác nghiệp tốt hơn, hòan thiện hơn trong nghề?
PVA báo chí VN, nhiều người có phương tiện, máy móc dồi dào hơn cả phóng viên ngọai quốc, nhiều máy tối tân hơn cả PVA quốc tế (họ chỉ cần máy móc vừa đủ theo nhu cầu). Nhưng việc xử dụng hết tính năng của máy thì PVA báo chí VN chưa phát huy hết tác dụng.
Muốn họ hòan thiện hơn, ngòai trao đổi kiến thức về kỹ thuật chuyên môn của nghề báo chí, nghề nhiếp ảnh, còn cần sao cho họ có được tư duy sáng tạo thay vì giới hạn vào chủ đề với mục đích gò bó, hay theo một lối mòn mặc định sẵn từ trước tới nay của báo chí VN
Phần khác, theo cảm quan riêng của Nick Ut, thì ảnh báo chí của VN chưa được chú ý nhiều ngay cả ở báo chí VN, nên PVA báo chí VN có lẽ thế mà cũng không được rèn luyện nhiều, tự mình dễ dãi với bản thân, lười tư duy.
Lâu nay ảnh báo chí VN gần như ít được truyền thông thế giới nhắc tới hay được xử dụng. Với các giải thưởng ảnh báo chí danh tiếng như WPP, Pulitzer thì xem như khó mà chạm tới. Theo ông lý do?
Báo chí thế giới ít nhắc tới hay đăng ảnh VN vì báo chí thế giới đang đặt trọng tâm vào cuộc chiến ở một nơi nào khác như Iran, Iraq… . Biển Đông đang dậy sóng, nếu ai chụp được những hình này, những nơi phát giải thưởng thế giới về nhiếp ảnh như WPP hay Pulitzer .. sẽ lưu tâm ngay vì độc giả thế giới đang khao khát đề tài này…
Tôi cũng hy vọng PVA báo chí VN một ngày nào đó cũng đọat được những giải thưởng danh giá, uy tín về ảnh báo chí như WPP, Pulitzer. Những bức ảnh theo tôi là ứng viên của các giải thưởng lớn, có thể là thiên tai, hay những xung đột mâu thuẫn trong cuộc sống xã hội hôm nay ở nhiều khía cạnh…

Hòai Hương




Box: Một số tiêu chí của ảnh báo chí
- Ảnh có bố cục rõ ràng. Trình bày thông tin chuẩn xác, không gây hiểu lầm cho độc giả. Mỗi bức ảnh phải có trọng tâm – điểm nhìn, để tất cả các thành phần quan trọng của nó hiện lên trước mắt độc giả ngay khi họ nhìn thấy..
- Ảnh nhìn tự nhiên và sống động. Chụp người thật, làm việc thật, không nên dàn dựng. Khi nhân vật đã hòa với bối cảnh thì cần phải bắt được "khoảnh khắc vàng." Tại đó, cái thần của nhân vật thực sự được bộc lộ.
- Ảnh có chú thích rõ ràng. Nhân vật là ai, đang làm gì, như thế nào, tại đâu và khi nào..
- Ảnh phải có nội dung. Các bức ảnh phải cung cấp thông tin chứ không phải để trang trí.
- Trình bày ảnh có sự phân định, không để các bức ảnh có nền màu sáng chìm trên các trang báo nền trắng
- Khuôn mặt của nhân vật chính trong bức ảnh phải có kích thước đủ để nhìn thấy.

Le hội "đâm, chém" thời hội nhập

Lễ hội “đâm, chém” thời hội nhập

Theo thống kê tính đến tháng 6.2010 của Bộ Văn hóa-Thể thao & Du lịch, hiện Việt Nam có 7.966 lễ hội chính thức, chia làm 5 loại: lễ hội dân gian, lễ hội lịch sử cách mạng, lễ hội tôn giáo, lễ hội du nhập từ nước ngoài vào, lễ hội văn hóa thể thao & du lịch - loại hình lễ hội mới, từ khi đất nước đổi mới và hội nhập. Trong đó có khỏang 500 lễ hội dân gian cấp tỉnh & quốc gia (trong số 7005 lễ hội dân gian truyền thống).
Trong số gần 500 lễ hội dân gian, thì số lượng lễ hội “đâm, chém, chọi” gia súc như trâu, lợn (heo)… không nhiều, chưa hết số đếm hai bàn tay. Nhưng tính chất “đẫm máu” và bạo lực của mấy lễ hội này trong hiện tại và trong xu thế hội nhập, liệu có thích hợp khi thế giới luôn kêu gọi con người hãy sống hiền hòa, nhân bản, nền văn minh trong thế kỷ 21 tôn trọng tất cả sự sống trên trái đất?
Phác thảo vài lễ hội “đâm, chém, chọi”.
Lễ hội đâm trâu: Lễ hội truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên. Hàng năm cứ sau mỗi mùa rẫy bà con dân tộc thiểu số ở các buôn làng thuộc khu vực dãy Trường Sơn- Tây Nguyên và một số vùng khác thuộc miền Trung lại tổ chức lễ hội thần N'du và các vị thần khác nhằm tạ ơn các vị thần đã phù hộ cho dân làng trong một năm được bình an,mùa màng ấm no, mạnh khỏe hạnh phúc. Lễ “Sa-rơpu” (ăn trâu ) thường gọi là Tết Thượng hay lễ Đâm Trâu được tổ chức từ tháng 12 đến tháng 3 âm lịch.
Lễ hội Đâm trâu với biểu tượng “cây nêu thần” là một sinh hoạt văn hoá dân gian nổi bật nhất, mang tính tổng hợp cao, có ý tưởng mong muốn cuộc sống ấm no, hạnh phúc, trở thành một nghi lễ độc đáo trong các ngày hội của buôn làng như lễ hội mừng lúa mới, mừng nhà rông, mừng được mùa. Đây là những ngày hội thực sự mang những nét văn hóa truyền thống như âm nhạc, sân khấu, múa hát, múa kiếm, nghệ thuật tạo hình, thể hiện rõ yếu tố cộng đồng, tình yêu thiên nhiên, thần linh được gắn với nhau chặt chẽ, là sự kế tục truyền thống văn hóa xa xưa của người Tây Nguyên. Từ người Stiêng, Bahnar, Cờ tu, Êđê, Xê đăng, Yẻh, Xeđrá đến người Brâu đâu cũng có lễ hội đâm trâu, dù nghi thức lễ hội mỗi nơi tuy có khác nhau nhưng mục đích thì giống nhau.
Họ dắt một con trâu khỏe mạnh, dáng đẹp, đem buộc chặt vào cột “Gingga” trước sân nhà Rông. Có một cây lồ ô tượng trưng cho tay thần, cắm cao chính giữa. Trói thêm một con heo lớn áp sát vào cột để chứng tỏ sự trù phú của buôn làng. Sau các màn múa hát họ bắt đầu đâm trâu. Chàng nào chỉ đâm một nhát mà trâu chết ngay thì được khen ngợi. Trâu ngã xuống bắt đầu xẻ thịt chia đều cho từng bếp trong buôn làng. Một phần thịt trâu được dành lại ăn uống chung tại nhà Rông. Đầu trâu được gác lên cột lề. Sáng ngày sau còn có lễ rước đầu trâu lên nhà Rông. Đầu trâu được chẻ ra làm món ăn. Riêng cặp sừng được giữ lại và treo lên vách nhà Rông. Người làng còn lấy máu trâu hòa với rượu để rửa những bảo vật truyền kiếp nhà Rông…
Lễ chém lợn: Vào ngày 6.1 âm lịch, thuộc thôn Ném Thượng, xã Khắc Niệm, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Lễ hội liên quan đến tín ngưỡng phồn thực: chém lợn tế thánh. Tục truyền rằng: có một vị tướng cuối đời Lý tên Lý Đoàn Thượng, khi đánh trận chạy đến vùng núi này đồn trú đã chém lợn rừng nuôi quân. Từ đó, người dân đã mở hội chém lợn hằng năm để tưởng nhớ đến người có công khai khẩn vùng đất hoang vu này.Theo tín ngưỡng dân gian của vùng quê Kinh Bắc, máu lợn trong lễ tế thánh tượng trưng cho sự sung túc, khả năng sinh sản, sức sống tràn trề, mùa màng bội thu...
Lễ hội "Chạy lợn" làng Diền. Được tổ chức từ ngày 5- 8.1 âm lịch tại Phú Yên, Hà Nội. Tái hiện cảnh đức Thánh Cao Sơn Đại Vương khao quân trước khi lên đường dẹp giặc. Thời Vua Hùng, tướng Cao Sơn Đại Vương trong một lần hành quân qua làng Diền đã nghỉ qua đêm tại đình Thượng, các bô lão trong làng xin được làm cỗ khao quân. Tướng quân đồng ý nhưng với yêu cầu phải làm thật nhanh để còn kịp hành quân đuổi giặc. Kể từ đó, lễ hội Chạy Lợn được tổ chức 5 năm 1 lần nhằm tưởng nhớ việc này. Ngay sau khi có trống lệnh, 3 xóm, hay còn gọi là giáp (trước năm 1945 là 5 xóm), mỗi xóm có một đội gồm 21 người được phân công đảm nhiệm các phần việc mổ lợn và bày cỗ, sao cho trong vòng từ 2-3 phút phải có một mâm cỗ đủ 9 đĩa dâng lên Thánh, với thủ, đuôi, bát tiết, các miếng thịt vuông vức khoảng 10 cm2 (tề mông, gàu o (ức), gàu bụng), cùng tim, phổi, bầu dục, lá lách... Và nhất thiết phải có lá mỡ chài phủ lên thủ lợn (ngậm đuôi) để trang trí mâm cỗ, mới được chấm điểm.
Lễ hội chọi trâu: Được tổ chức ở một số địa phương như Đồ Sơn- Hải Phòng vào ngày 9.8 âm lịch hàng năm, Hải Lựu- Lập Thạch- Vĩnh Phúc vào ngày 7.1 âm lịch, Phù Ninh- Phú Thọ mới đựoc phục hồi năm 2009 sau 60 năm gián đọan, diễn ra từ ngày 14-15.2 âm lịch. Ngòai ra lần đâu tiên Lễ hội chọi trâu được diễn ra tại Nghi Thái- Nghi Lộc- Nghệ An vào ngày 17/9/2010.
Trâu phải là những con trâu đực khỏe mạnh, da đồng, lông móc, một khoang bốn khoáy, hàm đen, tóc tráp (lông trên đầu cứng, dày để tránh nắng), có ức rộng, cổ tròn dài và hơi thu nhỏ về phía đầu, lưng càng dày, càng phẳng có khả năng chống chịu được đòn của đối phương, háng phải rộng nhưng thu nhỏ về phía hậu càng nhọn càng quý.,sừng phải đen như mun, đầu sừng vênh lên như hai cánh cung, giữa hai sừng có túm tóc hình chóp trên đỉnh đầu là khoáy tròn, mắt phải đen, tròng đỏ…
Trường đấu thường là những bãi đất rộng, có nhiều người đứng xung quanh gõ trống và hò hét. Người huấn luyện, phủ cờ đỏ lên đầu trâu, mình trâu để cho trâu quen dần với không khí. Bắt đầu từ hai phía của sới chọi, "ông trâu" được dẫn ra có người che lọng và múa cờ hai bên. Khi hai "ông trâu" cách nhau 20 m, người dắt nhanh chóng rút "sẹo" cho trâu rồi khẩn trương thoát ra ngoài sới chọi. Hai trâu lao vào nhau với tốc độ khủng khiếp, hai đôi sừng đập vào nhau kêu chan chát... Cứ thế, hai trâu chọi nhau quyết liệt giữa tiếng hò reo vang dậy của hàng ngàn khán giả.
Kết thúc lễ hội chọi trâu con thắng làm một cuộc rước giải về đình làm lễ tế thần. Tất cả mọi người dân đều theo, tập tục của từng địa phương, các trâu tham gia chọi, dù thắng, dù thua, đều phải giết thịt. Lấy một bát tiết cùng một ít lông của trâu (mao huyết) để cúng thần, sau đó đổ xuống ao để tiễn thần. Mọi người cùng ăn chúc phúc. Truyền rằng, sau khi ăn thịt con trâu thắng cuộc, mọi người sẽ gặp được may mắn, đặc biệt là những người dân đi biển.
Lễ hội là một phần của cuộc sống văn hóa tâm linh
VN có một bề dày lịch sử dựng nước và giữ nước, có một “đại gia đình” 54 dân tộc anh em và trên hết là niềm tự hào về một nền văn hiến 4000 năm với những đặc trưng của nền văn minh lúa nước. Những truyền thuyết, huyền thọai được truyền lại như dấu ấn của bản lĩnh, khí phách kiên cường trước mọi thử thách cả thiên tai, địch họa, để rồi dần lắng đọng, kết tinh rồi thăng hoa thành những tinh hoa trong cuộc sống tâm linh, trong bản sắc văn hóa của dân tộc.
Những lễ hội dân gian truyền thống là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người dân VN. Nó cũng như một sợi dây nối quá khứ với hiện tại và tương lai, làm một cái nền vững chắc để người dân VN có thể đương dầu với mọi sóng gió “đồng hóa”, “hòa tan” của các thế lực ngọai bang, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, di sản vô giá để chiến thắng mọi cường quyền, bạo lực, giữ gìn đất nước VN độc lập, trường tồn, vững mạnh.
Nhưng, lễ hội cũng có những mặt trái của nó, nếu như quá lạm dụng vì một mục đích ngòai văn hóa. “…với nhiều lý do khác nhau, đã và đang xuất hiện xu hướng nâng cấp lễ hội lên tầm cao hơn như cấp quốc gia, festival; việc áp đặt suy nghĩ chủ quan, đưa các yếu tố hiện đại không phù hợp vào nội dung của lễ hội dân gian, sự can thiệp quá sâu và cụ thể của các cấp chính quyền vào lễ hội… dẫn đến hiện tượng đáng cảnh báo là làm đơn điệu hóa, trần tục hóa, quan phương hóa và thương mại hóa lễ hội…Thực trạng này đang làm giảm đi giá trị chân thực vốn có của lễ hội, làm sai lệch giá trị của lễ hội , làm phai mờ bản sắc văn hóa của lễ hội; thiếu sự tôn trọng đối với chủ thể văn hóa, truyền thống và tập quán của cộng đồng”- Trích Tổng kết Hội thảo công tác quản lý lễ hội dân gian,2.6.2010 tại Hải Dương.
Cũng vì nhiều “biến thể” không giữ tòan vẹn ý nghĩa nguyên thủy của lễ hội mà nhiều lễ hội đã trở thành những “hủ tục” gây nhiều tranh cãi. Đặc biệt là những lễ hội có hình thức “đâm, chém, chọi” các gia súc, vật nuôi, với những cảnh “đầu rơi, máu chảy”, chỉ chú trọng thuần túy đến cảnh đâm giết, xem nhẹ các hoạt động khác, làm biến tướng dẫn đến hiểu sai về mục đích, tính chất của lễ hội chưa kể cảnh tượng “cuồng nộ” của những người tham gia vào các lễ hội đó đã một phần nào gây ra hình ảnh phản cảm của một lễ hội mang tính tâm linh, tế lễ thần linh nguyên gốc.
Nên giữ hay nên bỏ và giữ như thế nào, bỏ thì bỏ làm sao mà không đụng chạm đến vấn đề tự do tín ngưỡng tâm linh, đến chính sách dân tộc và việc bảo tồn di sản văn hóa truyền thống trong những lễ hội nói chung, và lễ hội “đâm, chém, chọi” trâu, lợn nói riêng?
Ý kiến một số nhà văn
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng: Tôi không thích những trò này. Dã man quá. Đúng là một lễ hội truyền thống mang tính tâm linh, nhưng bây giờ thành như một thú vui, nhiều người thích, không thể bỏ được. Nhưng theo ý tôi là không nên phát huy mấy lễ hội “bạo lực” này, chứng kiến cảnh đám đông con người đứng nhìn con vật bị trói, bị đâm be bét máu, hò hét vui vẻ, phấn khích, thấy sao tàn nhẫn, mọi rợ. Thiết nghĩ, nên dần bỏ mấy lễ hội “đâm, chém, chọi” này, và bảo tồn theo kiểu bảo tàng dân tộc học như một di sản “phi vật thể”, chứ không nên hiện thực quá thành “vật thể” mà vô hình khuyến khích sự “khát máu” không phù hợp với văn minh thế kỷ 21.
Nhà thơ Lê Giang: Từ lâu tôi đã than phiền về mấy lễ hội, nhất là lễ hội đâm trâu ở Tây Nguyên. Thà giết mổ, ăn thịt con vật một cách bình thường, chứ hành hạ nó một cách dã man như thuở xa xưa nguyên thủy mông muội, rồi xẻ thịt ăn, thật bất nhẫn. Tôi thấy nên để mấy lễ hội có giết chóc kiểu “đâm, chém, chọi” như hiện thời vào bảo tàng, đừng lấy cớ giữ gìn, phát huy rồi tìm cách phát triển lên, tôi không thấy tác dụng của vấn đề văn hóa tâm linh, nó đã bị mai một bới nhiều thứ ngọai lai làm biến tướng, mà chỉ thấy cái sự hung dữ của con ngừoi.
Nhà văn, dịch giả Phan Nhật Chiêu: Tôi chưa một lần tham dự trực tiếp mấy lễ hội đó, nhưng có theo dõi qua các phương tiện truyền thông.Và tôi cũng đã quyết định không tham gia xem mấy lễ hội “đẫm máu” đó. Tôi nhớ vở kịch của Tagor :Lễ máu. Ông ta lúc nào cũng phản đối những lễ hiến tế bằng sinh mạng( cả con người và con vật).Ông viết vở kịch vào thời kỳ chiến tranh, nên ông cho chiến tranh là một sự khai triển lễ hiến tế máu. Thật sự của lễ hiến tế máu là lễ tế thần bạo lực.
Theo ý tôi, mấy lễ tế có “máu” này không thể bỏ được vì dính dáng đến nhiều vấn đề về dân tộc và văn hóa tín ngưỡng, nhưng không nên phát huy, quảng bá rầm rộ. Không thể xem như đây là nét đẹp của văn hóa dân tộc mà khai thác nhằm thu hút du lịch. Những lễ hội như thế này nên ở trong phạm vị nhỏ hẹp, như một phong tục của làng xã, không nên khuếch trương lên, rồi thành một cuộc biểu diễn trò sát sinh trứơc mặt con người. Theo tôi đó là phi văn hóa, cũng là một kiểu “Lễ máu”.
Nhà văn Mường Mán: Thật sự mấy lễ hội đó không có tính nhân bản, không phù hợp với cuộc sống văn minh bây giờ. Tại sao không mô phỏng lại, và bảo tồn theo một cách nhân văn hơn, ví dụ như kiểu làm hàng mã, diễn lại trò, mà cứ phải hiện thực hóa cảnh đâm chém. Con vật cũng có quyền tồn tại như con người. Cái phần là “thực phẩm” để nuôi con người thuộc một khía cạnh khác, giết mổ trong lò mổ, hay khuất mặt ngừoi ăn thịt. Đàng này hò reo, la hét trước sự bất lực của con vật đang bị đâm, chém, máu me đầm đìa… Dã man quá. Theo tôi, có bỏ lễ hội này cũng chẳng mất đi đặc trưng văn hóa quốc gia.
Nhà thơ người Chăm Inrasara: Lễ tục nào bất kì luôn gắn với một/ vài chuyện kể để minh giải một mảnh văn hóa của cộng đồng tộc người nào đó. Nó có thể tàn bạo hay ghê tởm, thậm chí bất nhân với con mắt nhìn của người đương thời, dù trước đó nó phù hợp với quan niệm của cộng đồng trong giai đoạn lịch sử nhất định.
Thời đại hôm nay đã khác, thế giới đã thành một làng – làng toàn cầu; và internet đã mang thông tin đến tận hang cùng ngõ hẻm của trái đất. Các nền văn hóa con người đang xích lại gần nhau hơn bao giờ hết. Nên, không khó hiểu khi các lễ tục mang dáng vẻ phi nhân và tàn bạo dễ gây dị ứng với cộng đồng nhân loại hiện đại. Lễ tục nào bất kì đều do con người sáng tạo, và con người có quyền thay đổi nó.
Chỉ cần thay đổi phương cách hay, dấn thêm một bước: Có thể từ bỏ nó khi thấy nó đã quá lạc hậu.
Lễ đâm trâu chẳng hạn. Người Chăm cũng có lễ tục này. Nhưng khi giết con vật để tế thần, họ đọc thần chú xin lỗi linh hồn nó. Thao tác giết cũng gọn nhẹ: Trâu được buộc chặt vào hố sâu đào sẵn không cho con người nhìn thấy trâu giẫy giụa; ba nhánh lá xanh che kín cổ trâu không cho máu bắn ra ngoài; lưỡi gươm cực sắc để chỉ cần 3 nhát kéo lên xuống là kết thúc cuộc hiến tế.
Nhà văn trẻ Trương Anh Quốc: Nếu lễ hội đâm trâu mà diễn ra ở TP.HCM thì không ai chấp nhận được, như khi nó ở mấy buôn làng Tây Nguyên thì lại khác. Nhưng đúng là so với “nguyên gốc” thì lễ hội đã bị mất gốc rồi, vì người ta đã làm biến thái nó, phục vụ cho mục đích biểu diễn, du lịch- thương mại nhiều hơn. Nên ý nghĩa của nó cũng mai một, đôi khi còn phản tác dụng.Tôi chỉ ví dụ như voi Tây Nguyên, là để kéo gỗ, chở đồ… nhưng bây giờ người ta bóc lột sức của nó để phục vụ du lịch- Chở khách đi tham quan, ròng rã cả ngày, cả tháng, năm… mà không được chăm sóc đầy đủ.
Tôi chỉ nghĩ là không nên cổ súy cho những lễ hội như vậy. Và du lịch đừng can thiệp vào mà làm biến chất của lễ hội. Từ một ý nghĩa tâm linh tích cực mà trở thành sự tàn nhẫn của con người.
Có lẽ cần phải nhìn nhận lại một cách nghiêm túc “thấu tình, đạt lý” về việc bảo tồn, phát huy những lễ hội “đâm, chém, chọi”… các con vật trong chuỗi các lễ hội dân gian truyền thống. Đễ lễ hội không bị biến tứớng ý nghĩa và trở thành nơi có thể là mầm mống của bạo lực đang rất phổ biến trong cuộc sống xã hội hôm nay. Và cũng là phù hợp với văn minh của kỷ nguyên mới, khi VN đang hội nhập với thế giới, cùng đối thọai với các nền văn minh khác của nhân lọai./.

Hòai Hương

Thẩm định ảnh có cần chuyên nghiệp?

Thẩm định ảnh không cần chuyên nghiệp?!


Nhiều năm qua, sau các cuộc thi ảnh dưới sự bảo trợ của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh VN-VAPA , thường có nhiều ý kiến “eo xèo” về chất lượng đối với ảnh đọat giải cao. Phải chăng vì ban giám khảo và Hội đồng nghệ thuật (HĐNT) của VAPA chưa thật sự chuyên nghiệp trong thẩm định ảnh?


Hội đồng nghệ thuật không cần chuyên môn, chuyên nghiệp?!
Tiêu chí “cầm cân nảy mưc” để đánh giá một tác phẩm nghệ thuật trước hết là phải có một mặt bằng tối thiểu về chuyên môn ngành nghệ thuật đó hay có văn bằng về một ngành văn hóa. Nhìn vào HĐNT của các Hội văn học nghệ thuật VN thì thấy tòan những thành viên có học hàm, học vị như : Giáo sư, Phó giáo sư, Kiến trúc sư trưởng, Tiến sĩ.. hay các danh hiệu được Nhà nước phong như :Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú…
Duy nhất có HĐNT của VAPA với 7 thành viên trong nhiệm kỳ mới 2010-2015 này thì không có ai trong số họ có được một chức danh chuyên môn của ngành nghệ thuật nhiếp ảnh, không có học hàm học vị về một ngành văn hóa nghệ thuật hay nhiếp ảnh, ngòai các tước vị của VAPA và của FIAP hay PSA, cùng với “kinh nghiệm” là hàng chục, hàng trăm giải thưởng ảnh trong nước, và đặc biệt là của các cuộc thi do FIAP và PSA bảo trợ.
FIAP là :”Nhiếp ảnh nghiệp dư xuyên thế giới”- La Photographie Amateur à travers le monde, phía sau thẻ của thành viên FIAP ghi rõ: Người giữ thẻ này không lấy nhiếp ảnh làm mục đích chính- The bearer of this card does not take photographs for professional purposes .
Thực tế các cuộc thi của FIAP chỉ có giá trị trong khuôn khổ của FIAP, là một sân chơi lớn dành cho các tay máy “amateur” không có sức ảnh hưởng gì đến nền nghệ thuật nhiếp ảnh chuyên nghiệp thế giới, cũng như không hề được các phương tiện truyền thông thế giới chú ý tuyên truyền.
Tương tự như vậy, PSA mang tên “Hội nhiếp ảnh Mỹ” nhưng cũng không hề đại diện cho nhiếp ảnh chuyên nghiệp Mỹ. PSA được thành lập năm 1934, trụ sở chính ở thành phố Oklahoma, Mỹ, là tổ chức mang tính liên kết, giao lưu, chia sẻ cộng đồng trong bộ môn nhiếp ảnh, và kinh doanh- thực chất hướng tới các nghệ sỹ nghiệp dư.
Nhìn thành phần điều hành của PSA, cũng như các nghệ sỹ thế giới trong danh sách “Who is Who” được xếp hạng của PSA thấy rõ không ai là những tên tuổi nổi bật có uy tín trong nhiếp ảnh thế giới. PSA không có tham vọng và thực chất chưa bao giờ là thước đo giá trị các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp thế giới.
Vậy nhưng trong các báo cáo họat động của VAPA, những giải thưởng của FIAP, PSA mà VN đọat được là niềm tự hào, là thành tích “sáng giá” nhất, xem như đó là thước đo cho sự phát triển và hội nhập quốc tế của nghệ thuật nhiếp ảnh VN. Thậm chí còn cho đó như là một trong những phương hướng họat động chính yếu của nhiếp ảnh nghệ thuật VN với thế giới trong hiện tại và tương lai!!!
Kể cả trong tiêu chí xét trao khen thưởng Nhà nước, giải thưởng của Bộ VH-TT & DL cũng nêu tiêu chuẩn đạt giải Vàng-Bạc-Đồng của FIAP .Tất nhiên cũng có những ý kiến mở rộng giao lưu với các tổ chức nhiếp ảnh khác, nhưng thực chất Hội vẫn coi FIAP (cùng với PSA) là số một!
Không biết có phải vì lẽ đó mà thành viên trong HĐNT của VAPA chỉ cần những người được nhiều giải thưởng, được phong tước hiệu của FIAP, PSA là đủ, còn các tiêu chí khác gọi là chuẩn của trình độ chuyên môn về nghệ thuật không cần thiết?
Nhưng bản thân họ đã thật sự xuất sắc để có thể đại diện cho NSNAVN thẩm định ảnh?
Giải thưởng thì nhiều, nhưng lấy tiêu chí của một tác phẩm nghệ thuật có giá trị và ảnh hưởng tới xã hội, công chúng, thay đổi quan điểm hay sáng tạo xu thế mới về nghệ thuật… thì tác phẩm của họ chỉ đơn thuần là một vẻ đẹp “nghệ thuật vị nghệ thuật” đúng kiểu “tài tử” của FIAP, PSA.
Có những ảnh họ chụp hàng chục năm bây giờ vẫn mang đi thi. Ảnh của họ cũng chỉ “gói” trong vài chủ đề xưa cũ hàng chục năm nay, không có gì đổi mới. Trong số họ chỉ có một vài thành viên là có triển lãm cá nhân, còn đương kim Chủ tịch HĐNT của VAPA với hàng trăm giải thưởng ảnh FIAP, PSA thì cho tới nay chưa có một triển lãm ảnh cá nhân nào. Chưa kể bức ảnh “Mẹ con” sáng giá nhất của vị này là nghi án đạo ảnh từ một tác giả Pháp mà tạp chí Nhiếp ảnh của Hội NSNAVN đã từng đưa lên trong một bài báo “Có phải những ý tưởng lớn gặp nhau?”
Bản thân các thành viên HĐNT cũng chưa thấy đưa ra một quan điểm nghệ thuật rõ ràng mang tính học thuật, một yếu tố quan trọng trong trang bị kiến thức về lý luận để :”Ngòai công tác thẩm định ảnh, HĐNT còn là cơ quan tư vấn, tham mưu về nghệ thuật nhiếp ảnh cho Ban chấp hành”- Trích Thông báo của VAPA.
Và như thế chất lượng của HĐNT khi làm tham mưu, cố vấn cho Ban chấp hành VAPA và thẩm định ảnh sẽ có giá trị như thế nào, đến đâu và chất lượng cũng như sự công bằng đủ sức thuyết phục? Khi chuyên môn và sự chuyên nghiệp đều khiếm khuyết.

Hội đồng nghệ thuật có phải chỉ đi chấm ảnh?
HĐNT lập ra là để làm công tác tư vấn, tham mưu về chuyên môn, thậm chí còn là một “kênh” tham mưu định hướng nghệ thuật của ngành. Ở các cuộc thi , HĐNT làm công tác thẩm định chất lượng nghệ thuật, để Ban giám khảo có sự chính xác nhìn nhận tác phẩm có giá trị mà trao giải. Ở các Hội nghệ thuật khác, thì HĐNT làm rất nhiều công việc, không chỉ đi chấm thi.
Nhưng không chỉ ở nhiệm kỳ mới này mà ở nhiều nhiệm kỳ trứơc của VAPA, HĐNT gần như chỉ có một công việc chính là đi chấm ảnh các cuộc thi lớn nhỏ, thậm chí còn đi chấm thi ảnh của một số cơ quan, tổ chức, câu lạc bộ…từ Nam ra Bắc. Còn những công việc như tham mưu, tư vấn về ngành thì chưa thấy rõ rệt. Trong các cuộc hội thảo về nhiếp ảnh, thì tiếng nói của HĐNT rất yếu ớt. Sau các cuộc thi có “ì xèo” cũng không thấy vị nào trong HĐNT lý giải thuyết phục về sự lựa chọn của ban giám khảo.
Thành phần Ban giám khảo không thay đổi, cá nhân Ban giám khảo nhìn bằng con mắt nghệ thuật của bản thân để thẩm định ảnh, mà bản thân thì không có gì đổi mới, chỉ quanh quẩn với những tiêu chí ảnh của FIAP,PSA, với tư duy xáo mòn, cũ kỹ, không đổi mới, không theo kịp những xu thế phát triển của nghệ thuật nhiếp ảnh thế giới. Chính vì thế mà có một nghịch lý từ bao năm nay, các ảnh đọat giải cao gần như na ná nhau, không có gì thay đổi cả vể chủ đề và cách tạo hình, màu sắc, bố cục…
Chưa kể sau mỗi cuộc thi, nhất là các cuộc thi mang tính quốc gia hay khu vực, nhiêù ảnh đọat giải cao thường không phải ảnh xuất sắc, có sức thuyết phục, thậm chí còn mắc lỗi, phạm quy… nhưng “được” nhỏ to, đó là ảnh của học trò hay người quen của thành viên ban giám khảo, HĐNT. Khó tìm ra bằng chứng cụ thể nhưng chuyện “học trò đi đêm” râm ran ở rất nhiều cuộc thi.
Và không có gì lạ khi nhìn vào những gì nhiếp ảnh VN đạt được trong thời gian qua, với những giải thưởng trong nước do VAPA bảo trợ và quốc tế- Mà chủ yếu là của các cuộc thi dưới sự bảo trợ của FIAP và PSA, thì thấy rõ sự đi xuống của chất lượng nghệ thuật nhiếp ảnh VN.
Tất nhiên không chỉ nhiếp ảnh mà nhiều bộ môn nghệ thuật khác chất lượng cũng đi xuống nên Nghị quyết số 23-NQ/TW, của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, nêu rõ:” Số lượng tác phẩm ngày càng nhiều song còn ít tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Trong một số tác phẩm, lý tưởng xã hội – thẩm mỹ không rõ nét, ý nghĩa xã hội còn hạn hẹp…”

Nhiếp ảnh nghệ thuật thế giới không phải là FIAP, PSA
Trong thời buổi bùng nổ thông tin, internet nối mạng tòan cầu, việc tìm hiểu các tổ chức nhiếp ảnh quốc tế chuyên nghiệp, có uy tín và có ảnh hưởng đến nghệ thuật nhiếp ảnh thế giới không phải khó. VAPA cần phải nhận chân FIAP, PSA thật sự như thế nào để đừng ảo tưởng về tầm “quốc tế” mà đánh mất cơ hội hội nhập thực sự với nhiếp ảnh nghệ thuật thế giới.
Nếu nhiếp ảnh VN chỉ quẩn quanh với FIAP, PSA, những tổ chức nhiếp ảnh quốc tế mang tính nghiệp dư mãi, mà bỏ qua những tổ chức nhiếp ảnh quốc tế khác thì cũng là một hình thức biến mình thành nghiệp dư, thậm chí chỉ là một “hội viên” của họ mà không có giá trị thực nào, khó mà hội nhập với quốc tế và tạo được vị trí của nhiếp ảnh VN với nghệ thuật nhiếp ảnh thế giới.
VAPA là một Hội nghệ thuật chuyên nghiệp nằm trong Liên hiệp hội văn học, nghệ thuật VN, là một ngành nghệ thuật trong họat động văn hóa của VN, không thể cứ “bó” mình trong hạn hẹp những gì đã có sẵn. Với một HĐNT mà tư duy chỉ “nằm” ở FIAP, PSA, không có cái nhìn xa, nhìn rộng hơn cả về chuyên môn lẫn phạm vi họat động thì nhiếp ảnh nghệ thuật VN cũng chỉ là nghiệp dư. Như thế là không đúng với mục tiêu của VAPA và mục tiêu phát triển văn hóa, nghệ thuật VN trong thời kỳ mới./.

Đắc Lộc

Box: HĐNT VAPA nhiệm kỳ 2010-2015: NSNA Lê Hồng Linh- Chủ tịch, NSNA Đặng Ngọc Thái- Phó Chủ tịch, NSNA Lý Hòang Long, NSNA Duy Anh, NSNA Long Thành, NSNA Hòang Trung Thủy, NSNA Nguyễn Dần.